Xử lý rác thải thành điện năng với công nghệ Plasma

Giới thiệu về dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma tại TPHCM trước các nhà quản lý, nhà khoa học và các đối tác do Công ty Trisun International Developments Pty Ltd (Australia) và Công ty TNHH Kiên Giang Composite (KGC) cùng tổ chức, có thể thấy rõ đây là một công nghệ tiên tiến, nếu thành công sẽ giải quyết được các vấn đề xử lý rác thải, nhất là rác thải độc hại… Nhưng để dự án thành hiện thực còn đòi hỏi nhiều vấn đề khác.
Quá trình khí hóa Plasma rác thải

Giải quyết nhiều vấn đề nóng
Công nghệ mới này có nguồn gốc từ NASA, được các công ty công nghệ cao nổi tiếng của Mỹ như General Electric, Westinghouse, Alter NRG… ứng dụng, chế tạo thiết bị. Ứng dụng công nghệ Plasma là thực hiện một quá trình sử dụng điện để tạo ra cung hồ quang ở nhiệt độ cực cao (7.000 - 9.0000C) nhằm biến các loại chất thải thành khí phân tử, nguyên tố (gọi là khí tổng hợp), hơi nước và chất xỉ bằng các thiết bị đặc biệt, gọi là thiết bị chuyển đổi Plasma.

Theo ông Từ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị KGC, dự kiến nguồn tài chính cho dự án này vào khoảng 400 triệu USD, từ nguồn vốn tự đầu tư và kết hợp với các đối tác nước ngoài. Dự án khí hóa rác thải sản xuất ra điện năng này sẽ sử dụng công nghệ cung hồ quang (hay còn được gọi là khí hóa Plasma), khí hóa rác thải để sản xuất ra điện và các sản phẩm khác có ích cho xã hội.
Phía chủ đầu tư cũng kỳ vọng xây dựng một nhà máy khí hóa Plasma đầu tiên tại TPHCM với dây chuyền thiết bị giai đoạn 1 có công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày để sản xuất ra 1,6 triệu KWh điện/ngày, cung cấp 55% sản lượng điện thương phẩm cho lưới điện quốc gia sau khi để lại lượng điện cho việc vận hành nhà máy. Ngoài sản phẩm điện, nhà máy còn sản xuất các phụ phẩm có giá trị khác như gạch, đá xây dựng, đá xốp…
Ông Từ Ngọc Ẩn, Chủ tịch Hội đồng quản trị KGC cho biết thêm: Nhận thấy đây là cơ hội tốt đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, chúng tôi giới thiệu với các ngành liên quan đến môi trường, năng lượng nhằm tìm kiếm những đánh giá khoa học trong mục tiêu tiến tới đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại. Nếu dự án được chấp thuận về chủ trương, KGC sẽ cùng các đối tác khảo sát, lập dự án trình Chính phủ, UBND TPHCM. Sau khi được phê duyệt, trong vòng 36 tháng, sẽ đưa nhà máy vào vận hành…

Có dễ thực hiện?
Với dự án này, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý tham gia buổi giới thiệu đã đánh giá cao công nghệ của dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma, thậm chí công nghệ này còn giải quyết được một số chất thải độc hại… Tuy nhiên, để thực hiện được dự án, còn rất nhiều vấn đề ở phía trước.
Một số nhà khoa học cho rằng, phía chủ đầu tư không nên xây dựng một nhà máy quá lớn với công suất xử lý 2.000 tấn rác/ngày như dự án đề ra vì sẽ khó tập trung được lượng rác cần thiết để vận hành nhà máy mà nên tập trung xây dựng nhà máy chuyên xử lý các chất thải độc hại. Đây chính là vấn đề thành phố đang rất cần.
Ý kiến khác cũng khẳng định dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ Plasma có nhiều ưu điểm, nếu áp dụng được sẽ tạo ra một bước tiến mới trong xử lý rác thải. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn một số vấn đề, như chính sách ưu đãi thu hút đầu tư xử lý rác thải, phát điện tái tạo và quan trọng không kém là vấn đề bán điện cho lưới điện quốc gia sau khi thu được từ hoạt động của nhà máy… làm cơ sở tính toán cho quy mô, lợi ích đầu tư.
Tham dự buổi giới thiệu dự án, Giám đốc Sở KH-CN TPHCM Phan Minh Tân cho rằng, công nghệ Plasma đã cho thấy nhiều ưu điểm nhưng để xây dựng nhà máy tại TPHCM cần xem lại các vấn đề: Giá thành xử lý rác vẫn còn cao; công suất bằng lò đốt Plasma chưa có lò đốt loại lớn; đầu đốt Plasma chỉ đốt được một số giờ nhất định, phải thay đầu đốt mới song giá thành đầu đốt khá cao… Thấy rõ ở đây còn nhiều thách thức, nhiều bàn luận nên Sở KH-CN và các nhà khoa học sẽ sẵn sàng cùng nhà đầu tư tiếp tục có những đóng góp cho dự án này trước khi trình thành phố xem xét.

Phía xây dựng dự án cho rằng:
Về hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ giúp giảm, tiến tới loại bỏ hoàn toàn các bãi chôn lấp rác thải hiện tại, tiết kiệm quỹ đất. Đó là chưa kể đến 1 tấn chất thải rắn có thể sản xuất được 815KWh điện, tạo ra năng lượng sạch, an toàn và hiệu quả. Sản lượng điện có tính thương mại cao nếu so sánh với các nguồn năng lượng tái tạo như mặt trời, gió, nước... Ngoài ra, sẽ không sinh khí thải và khí gây hiệu ứng nhà kính góp phần đáng kể vào cuộc chiến chống biến đổi khí hậu ở Việt Nam hiện nay, không làm ô nhiễm nguồn nước mà còn tạo ra một loại vật liệu (như đá xốp) dùng làm vật liệu bảo ôn, vật liệu lọc nước thải, khí thải và công nghệ Plasma còn khí hóa được tất cả nhiên liệu khác, điều này cho phép sử dụng được các loại than kém chất lượng, dầu thải… một cách hiệu quả.

(s.t)

Nguồn tin: tinmoitruong.vn