CCCO Bình Định: Nâng cao kiến thức cộng đồng ở phường Nhơn Bình và Nhơn Phú trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu

CCCO Bình Định: Nâng cao kiến thức cộng đồng ở phường Nhơn Bình và Nhơn   Phú trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu
Tiếp theo chuỗi hoạt động truyền thông, nâng cao kiến thức về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng trong khuôn khổ dự án Giảm thiểu rủi ro ngập lụt cho người dân ở vùng hạ lưu sông Hà Thanh và sông Côn, thành phố Quy Nhơn (gọi tắt dự án Cảnh báo lũ sớm) thuộc Mạng lưới các thành phố Châu Á có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu (ACCCRN) do Quỹ Rockefeller tài trợ, sáng ngày 20 tháng 10 năm 2015, Văn phòng Điều phối về biến đổi khí hậu tỉnh Bình Định (gọi tắt CCCO Bình Định) tổ chức khóa Tập huấn truyền thông về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng cho giáo viên, Hội đoàn thể, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão - Tìm kiếm cứu nạn và Tổ trưởng Khu phố trên địa bàn phường Nhơn Bình và Nhơn Phú thuộc thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Mục đích của khóa Tập huấn truyền thông về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng là nhằm phổ biến các định nghĩa, kiến thức cơ bản, tổng quan về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Qua đó giúp các đại biểu tham dự có cái nhìn trực quan, toàn diện hơn về các khái niệm liên quan, tác hại khôn lường của biến đổi khí hậu, đồng thời gắn kết vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương, tổ chức Hội đoàn thể và người dân trong công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Bình Định.
Tại khóa Tập huấn, ông Lê Quang Duật - chuyên gia cấp cộng đồng đã trình bày tổng quan về biến đổi khí hậu, làm rõ các khái niệm như thời tiết, khí hậu, hiệu ứng nhà kính và khí nhà kính, biểu hiện và tác động của biến đổi khí hậu. Theo đó, biến đổi khí hậu gây nên (1) các tác hại sơ cấp bao gồm: tăng cường độ, tần suất và thay đổi đường đi của bão; tăng thời gian hạn hán; tăng cường độ, tần suất và thời gian ngập lụt, lũ lụt; thay đổi điều kiện, chất lượng môi trường… và (2) các tác hại thứ cấp như: ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe người dân; thiếu nước; mất đất; suy giảm đa dạng sinh học; hư hại tài sản, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị…
Sau phần tổng quan, chuyên gia đã trình bày nội dung tổng quan quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng. Đây là nội dung giúp cộng đồng đang đối mặt với rủi ro thiên tai, đặc biệt là trong bối cảnh của biến đổi khí hậu, tham gia tích cực vào việc xác định và phân tích các rủi ro, lập kế hoạch, thực hiện, theo dõi và đánh giá các hoạt động nhằm mục đích giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương và tăng cường khả năng ứng phó, thích nghi với cộng đồng.
Khóa tập huấn là cơ hội tốt để truyền thông sâu rộng kiến thức về biến đổi khí hậu và quản lý rủi ro thiên dựa vào cộng đồng đến cán bộ làm công tác truyền thông cấp cộng đồng nhằm giảm tình trạng dễ bị tổn thương, góp phần vào việc nâng cao nhận thức của người dân về công tác ứng phó và giảm nhẹ biến đổi khí hậu./.
 

Tác giả bài viết: Anh Tuấn (CCCO Bình Định)